Vượt trên cả trái phiếu, vàng và gửi tiền ngân hàng, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường đi xuống, nhà đầu tư lại càng có thêm cơ hội để “săn” được bất động sản giá tốt.
Cơ hội “bắt đáy” đang hiện hữu
Theo báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, địa ốc chính là kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận ngắn hạn cao nhất trong hai năm qua, lên tới 14%/năm.
Xếp ở vị trí thứ hai là kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (8,5%/năm). Tiếp đến là vàng SJC (7,36%/năm). Việc gửi tiền tiết kiệm đứng ở vị trí thứ tư với lợi suất là 6%/năm. Riêng với cổ phiếu, đây là kênh đầu tư bị xếp ở thứ hạng thấp nhất khi người tham gia có thể bị lỗ tới 20,14%/năm.
Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng nguyên nhân khiến kênh đầu tư địa ốc được săn đón xuất phát từ việc các chủ đầu tư liên tục tung ra các mức chiết khấu “khủng”. Điều này đã khiến nhiều dự án tiệm cận với giá trị thực.
Tuy nhiên, chính đơn vị này cũng thừa nhận rằng thị trường đang chững lại do một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề về pháp lý và khả năng tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, một trở ngại khác đó là việc ba bộ luật quan trọng nhất liên quan đến bất động sản vẫn đang chờ được hoàn thiện.
Dẫu vậy, theo Viện Nghiên cứu thị trường Bất động sản Việt Nam, thị trường đang đón nhận thêm nhiều thông tin tích cực. Nổi bật nhất là sự “hạ nhiệt” của lãi suất cho vay khi con số hiện chỉ còn dao động trong khoảng 8 - 10%/năm.
Giữa bối cảnh lãi suất giảm dần, đơn vị trên dự báo tâm lý của nhà đầu tư sẽ được cải thiện. Do đó, thị trường có thể sẽ phục hồi từ quý II/2024.
Với các nhà đầu tư có ý định “bắt đáy” bất động sản, đơn vị này cho rằng những người có điều kiện tài chính có thể xem xét sử dụng tỷ lệ đòn bẩy 60 - 70% (vốn tự có) và 30-35% (vốn vay).
Bên cạnh đó, đơn vị này lưu ý rằng việc lựa chọn kênh đầu tư phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro và khả năng tài chính của từng nhà đầu tư. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người tham gia cần giữ vững nguyên tắc phân bổ nguồn vốn vào các kênh khác nhau, không “bỏ trứng vào một giỏ”.
Phân khúc chung cư tiếp tục “dẫn sóng”
“Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên tập trung vào nhu cầu thực như phân khúc chung cư, nhà ở riêng lẻ phục vụ nhu cầu để ở, kinh doanh, cho thuê hoặc để đầu tư dài hạn; nhất là khi giá bất động sản đã được chiết khấu khá hấp dẫn trong giai đoạn vừa qua”, báo cáo của Viện Nghiên cứu thị trường Bất động sản Việt Nam cho biết.
Trong các phân khúc kể trên, chung cư đang là loại hình “hồi xuân” nhanh nhất. Theo khảo sát của Dat Xanh Services (FERI), đây là phân khúc được 73% số người lựa chọn quan tâm trong nửa cuối năm 2023. Tiếp theo là loại hình nhà thấp tầng với tỷ lệ 15%. Đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng chỉ chiếm lần lượt 10% và 2%.
Không dừng lại ở đó, giá căn hộ chung cư cũng tăng “phi mã” theo từng năm. Báo cáo của Batdongsan cho biết, xét trong giai đoạn dài từ năm 2015 đến nay, giá chung cư ở Hà Nội và TP.HCM đã tăng lần lượt là 82% và 56%.
Nhờ vào các yếu tố trên, chung cư đang dần trở thành phân khúc được “chọn mặt gửi vàng”, thay vì nhà phố hay đất nền. Nhận định này càng trở nên thuyết phục hơn khi tỷ suất lợi nhuận trung bình khi đầu tư chung cư lên tới 12,5%/năm (tính gộp mức tăng giá và lợi nhuận cho thuê). Đây là mức lợi nhuận tốt và ổn định hơn các loại hình đầu tư khác như chứng khoán, vàng, ngoại tệ, đất nền, gửi tiết kiệm.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực phía Nam, khả năng thị trường căn hộ sẽ phục hồi sớm nhất so với các loại hình khác. Thời gian dự kiến có thể rơi vào đầu quý I/2024 và chậm nhất là quý II/2024.
Khảo sát các môi giới viên cho thấy 27% số người cho rằng phân khúc căn hộ sẽ phục hồi trong quý IV/2023. Trong khi đó, 42% số người lại nhận định loại hình này sẽ lấy lại “phong độ” trong 6 tháng đầu năm 2024.
T.H