Chọn mảnh đất lành có sinh khí, vượng khí để làm nhà, gia chủ sẽ được che chở, gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc sống.
Làm nhà là một trong ba việc hệ trọng của đời người được dân gian khái quát trong câu “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”. Ngoài cân nhắc về vị trí địa lý, tài chính, gia chủ cũng nên tìm hiểu, lựa chọn cho mình một mảnh đất cất nhà hợp phong thủy. Dưới đây là những yếu tố làm nên “đất lành” theo quan niệm phong thủy.
Thế đất đẹp là những mảnh đất nằm ở nơi tụ khí, nơi có trường khí tốt, có lợi cho sức khỏe, tinh thần, công danh sự nghiệp của gia chủ.
Đất có trường khí tốt là những nơi đất rộng, thoáng. Còn đất nằm ở nơi tụ khí là những khu đất có phía trước thấp còn phía sau cao, phía trước rộng để hút khí, hai bên tạo được hình vòng cung như hai cánh tay bao bọc lấy đất để dòng khí dễ tụ vào nhà. Đất xung quanh có núi bao quanh, nước uốn lượn tụ khí rất tốt. Làm nhà, sinh sống ở thế đất này, gia chủ sẽ thuận lợi trong việc làm ăn, phát triển sự nghiệp.
Có ba yếu tố khác dễ hình dung hơn để xác định thế đất đẹp đó là “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”.
“Nhất cận thị” nghĩa là gần chợ. “Thị” ngày nay không chỉ bó hẹp trong nghĩa gần các khu chợ buôn bán mà rộng hơn, nó chỉ các đô thị lớn. Dù hiểu theo nghĩa “chợ” hay các “đô thị” thì “thị” đều đề cập đến tính tiện lợi, dễ dàng tiếp cận được các tiện nghi cuộc sống như y tế, giáo dục, vui chơi giải trí…
“Nhị cận giang” nghĩa là gần sông. Hiểu theo cách phổ quát, “giang” cũng có nghĩa là “thủy” – nước, tức là vùng đất nào gần nuồn nước là đất có sinh khí, vượng khí, hay còn gọi là sinh địa. Trong phong thủy, “thủy” còn tượng trưng cho tiền, mang đến tài lộc, phú quý cho gia chủ.
“Tam cận lộ” nghĩa là gần đường. Mảnh đất gần đường sẽ thuận lợi trong việc đi lại, giao thương buôn bán, kinh doanh…
Ngoài ra, dân gian có câu “đất lành chim đậu”, nghĩa đen là đất có tốt thì chim mới đậu, nghĩa bóng là nơi dễ làm ăn thì nhiều người tìm đến sinh sống. Chiểu theo đó, thế đất tốt là nằm ở những nơi cư dân sống đông đúc, buôn bán, giao thương phát triển.
Bên cạnh đó, nơi có nhiều cây cối xanh tốt cũng được cho là có thế đất tốt, vượng khí, rất tốt để xây dựng nhà ở, sinh sống lâu dài. Ngược lại, nơi đất đai cằn cỗi, cây cối thưa thớt, trơ trụi là thế đất xấu, không nên xây nhà ở.
Theo phong thủy, hình dáng mảnh đất khác nhau sẽ làm khí lưu thông theo những cách khác nhau. Nếu mảnh đất có hình dạng tốt sẽ hút nhiều sinh khí và tài lộc, mang đến sự hưng vượng cho gia chủ. Ngược lại, đất có hình dáng xấu, nếu không có các phương pháp hóa giải thì dễ gặp xui xẻo trong cuộc sống và công việc.
Hình dáng đất đẹp là đất hình vuông, hình chữ nhật thể hiện sự vuông vức, vững chãi, cân đối, tính ổn định, hài hòa. Đây là hình dáng đất đại cát. Khí di chuyển tự do, không bị cản trở, đem đến phú quý cho gia chủ.
Đất có các góc nhọn hoặc bị khuyết thiếu như đất hình tam giác, hình thang, hình bình hành, hình chữ L… thì được xem là hình dáng đất không đẹp. Dòng khí khó lưu chuyển, tích tụ làm ảnh hưởng đến đời sống của gia chủ.
Hiện nay trong bối cảnh giá đất đắt đỏ, để tìm được một mảnh đất vừa phù hợp tài chính, vừa thuận phong thủy về mọi mặt không phải chuyện dễ. Những mảnh đất có hình dáng không hợp phong thủy, sẽ vẫn có những cách hóa giải.
Ví dụ, khi xây nhà trên mảnh đất hình bình hành, nên đặt phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ ở phần vuông vức phía trước còn phần ngóc ngách làm nhà vệ sinh, kho hoặc cầu thang.
Với đất hình bán nguyệt nên xây nhà ở giữa đất để thành hình nửa đồng tiền cổ với ý nghĩa đem lại tài lộc sau này.
Với đất hình chữ L, có thể khắc phục bằng cách xây nhà ở vị trí mà mặt tiền nhìn ra góc chính của mảnh đất nhưng phải có khoảng cách đủ rộng với góc đó để tạo thông thoáng cho khí lưu thông vào nhà.
Thanh Thu (Tổng hợp)