Không thể phủ nhận, trước đến nay, đất nền vẫn là phân khúc được đa số NĐT ưa chuộng. Bởi, so với các phân khúc khác trên thị trường, biên lợi nhuận của đất nền tốt hơn, mặc dù mức độ rủi ro cũng cao hơn. Tuy vậy, khá nhiều NĐT vẫn "miệt mài" tìm kiếm lợi nhuận ở phân khúc này, chắc chắn là có lý do. Theo ông David Jackson, CEO Colliers Việt Nam, ngoại trừ các địa phương có hiện tượng sốt đất thời gian qua, còn lại ở các khu vực khác, các chỉ số cơ bản của thị BĐS như: nguồn cung, tín dụng hỗ trợ người mua nhà, lượng giao dịch mua bán thực tế… vẫn khá lạc quan. Vẫn có một bộ phận nhà đầu tư đất nền muốn tìm kiếm lợi nhuận từ phân khúc này. Đặc biệt, ở những địa phương mới bắt đầu phát triển, quỹ đất còn nhiều thì đất nền vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn vì tỷ suất lợi nhuận tốt (so với phân khúc căn hộ), mức giá phải chăng, giúp nhà đầu tư có một kênh để điều tiết dòng tiền hiệu quả.
Cùng quan điểm, ông Mai Đức Toàn, một chuyên gia có hơn 20 năm trong lĩnh vực BĐS cho rằng, phân khúc đất nền pháp lý minh bạch, giá vừa tầm sẽ vẫn được người mua quan tâm bất chấp tình hình dịch bệnh. Theo ông Toàn, BĐS tại Việt Nam vẫn là kênh đầu tư an toàn trong dài hạn nếu nhà đầu tư chọn đúng thời điểm và khu vực. Đặc biệt, Việt Nam đang được thế giới đánh giá là môi trường đầu tư tốt. Hậu Covid, đây sẽ là bàn đạp để nền kinh tế khôi phục mạnh mẽ, kéo theo sự phát triển về BĐS. Theo đó, những khu vực có thông tin quy hoạch tốt, phát triển hạ tầng giao thông là điểm đến đầy tiềm năng. Tuy vậy, NĐT cũng nên thận trọng tính toán tỷ lệ tăng giá phù hợp cho khu vực này. Các thông tin quy hoạch có thể khiến giá đất tăng vọt nhưng không nên quá cao. Mức tăng trưởng nóng dưới 30% ở khu vực này là điểm ngưỡng an toàn và giá có thể duy trì nhịp tăng trưởng đều đặn trong những năm sau cùng với sự phát triển của hạ tầng và kinh tế.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể tìm kiếm những khu vực có kết nối hạ tầng giao thông thuận lợi, giá đất còn mềm và có nhiều điều kiện để phát triển các lĩnh vực như công nghiệp, du lịch,… Vì những nơi này trong tương lai sẽ có nhu cầu ở và kinh doanh thực. "Đầu tư vùng ven các thành phố lớn cũng là chiến lược tốt nhưng phải cân nhắc giá đất và pháp lý. Tôi cho rằng, các khu vực có tỷ lệ tăng giá bền vững qua từng năm, dao động trên dưới 10%/năm khá bền vững và nhiều triển vọng. Nhìn chung, việc đầu tư lướt sóng, "đánh nhanh, thắng đậm" không còn phù hợp với bối cảnh thị trường BĐS hiện tại. NĐT cần phải tính đến phương án bền vững, trung và dài hạn", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Khu vực nào giá đất còn mềm?
Như chia sẻ của các chuyên gia trong ngành, với dòng tài chính không quá lớn, cùng tầm nhìn trung-dài hạn thì đất nền vẫn là mảnh đất màu mỡ, "chắc thắng" đối với NĐT. Trong đó, những khu vực có kết nối hạ tầng giao thông thuận lợi, phát triển KCN, giá đất còn mềm… được xem là lợi thế trong tầm ngắm của người mua. Tuy vậy, để tìm kiếm đất nền giá mềm là bài toán cực kì khó ở thời điểm này.
Ông David Jackson cho hay, đất đai là tài nguyên hữu hạn. Giá đất tại Việt Nam có liên hệ chặt chẽ với các quy định pháp lý liên quan, sự phát triển của cơ sở hạ tầng cũng như tốc độ đô thị hóa. Khi các yếu tố này từng bước được cải thiện, đất đai cũng sẽ gia tăng về giá trị. Thị trường cũng luôn có sự tự điều chỉnh và người dân chỉ chi tiền ở mức mà họ cho là "xứng đáng", phù hợp. Theo đó, các dự án đất nền còn ở ngưỡng mềm, pháp lý đầy đủ luôn được săn đón. "Xét về biên lợi nhuận, đất nền vẫn là phân khúc khá hấp dẫn. Nhưng hiện tại, chúng ta vẫn đang phải chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, người dân có tâm lý thận trọng hơn trước mỗi quyết định đầu tư. Và dù kinh tế đang có nhiều khó khăn chung nhưng giá BĐS vẫn không có dấu hiệu giảm, khiến cho biên lợi nhuận không thể cao như trong khoảng thời gian một vài năm trước đây", ông David Jackson nhấn mạnh.
Phạm Vân