Sau công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp “giải cứu” thị trường bất động sản, giới doanh nghiệp, chuyên gia đang phấn chấn đánh giá về tác dụng của “liều thuốc” này. Tuy nhiên, thực tế sẽ có rất nhiều biến số cần mổ xẻ. Để thị trường ấm lên, rất cần hành động quyết liệt từ các ngân hàng và giải pháp tháo gỡ cho dự án từ cơ quan chức năng.
Chỉ đạo quyết liệt về “bơm” vốn
Thị trường bất động sản hơn 1 năm qua khó khăn khi dòng vốn bị thắt chặt, nhiều cuộc họp Chính phủ đã diễn ra với nội dung gỡ vướng nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản từ trạng thái “đóng băng” từ cuối năm 2022 đến nay bắt đầu dần hồi phục khi tăng trưởng tín dụng, số lượng giao dịch...được cải thiện. Ngày 24/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 993 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp cho thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý, theo Công điện số 993, Chính phủ giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại: Tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; Có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; Rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn; Đồng thời, có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng (gói cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ). Chỉ đạo các ngân hàng thương mại khẩn trương hướng dẫn các thủ tục vay vốn tín dụng đối với các dự án đã được công bố đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đối với cả chủ đầu tư và người cần mua nhà của chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Từ tháng 11/2022 người mua, doanh nghiệp không có nhu cầu vay đầu tư bất động sản, vì tâm lý sợ lãi suất cao, không dám vay. Tuy nhiên, bây giờ dù lãi suất có thấp hơn nhưng lại khó tiếp cận vốn vì nhiều điều kiện. Điều này khiến ngân hàng dư vốn trong khi doanh nghiệp và ngân hàng không gặp được nhau. Do đó, nếu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thúc đẩy cho vay bất động sản và nới lỏng điều kiện sẽ là điều rất tốt cho phục hồi kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Có thể sau công điện này, điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp, cá nhân vay triển khai dự án, đầu tư, mua ở sẽ được nới lỏng hơn. Mức vay tốt hơn và lãi suất thả nổi sẽ hạ xuống dưới 10,5%/năm, sẽ xuất hiện các gói vay cố định năm đầu 7,5%/năm hay vay trong 24 tháng lãi suất chỉ 8%/năm như trước đây.
Cùng với chỉ đạo tại công điện, lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục hạ và quý 4 cũng là thời điểm đáo hạn nhiều khoản gửi tiết kiệm của người dân. Tôi cho rằng, lượng tiền lớn sẽ tung ra thị trường để sản xuất kinh doanh, đầu tư, trong đó có bất động sản.
Khi lãi suất cho vay rất cao lên tới 13- 14%/năm, hầu như không mấy người muốn mua nhà. Nhiều người có tâm lý đi thuê và chờ đợi cơ hội mua sau. Tuy nhiên, việc Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy cho vay tín dụng bất động sản, ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, cắt giảm các thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người mua nhà, dự án tiếp cận được nguồn vốn... sẽ gỡ khó rất nhiều vấn đề cho thị trường hiện nay. Theo đó, nút thắt về nguồn vốn coi như đã một phần được cởi bỏ.
Tăng trưởng tín dụng bất động sản: Đang khả quan!
Trong báo cáo về thị trường bất động sản quý III được công bố mới đây cho thấy, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 31/8/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến cuối năm 2022 đạt khoảng 800.000 tỷ đồng. Như vậy, trong 8 tháng đầu năm 2023, các ngân hàng đã bơm thêm gần 186.500 tỷ đồng cho kinh doanh bất động sản.
Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm chỉ đạt 5,57%, tương đương tăng thêm là gần 663.900 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, diễn biến trên cho thấy, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng. Những khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản nhận được sự “vào cuộc” kịp thời với nhiều chính sách gỡ khó về vốn cũng như pháp lý. “Vốn như “ô xy” cho thị trường bất động sản, cho chủ đầu tư, người mua nhà. Thị trường bất động sản thời điểm này cần có vốn cho các dự án quan trọng với nhu cầu tối thiểu của người dân. Vì vậy, từ doanh nghiệp cho đến người dân đều chờ ngân hàng rộng cửa hơn nữa để thị trường ổn định và phát triển”, ông Đính nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, sau giai đoạn trầm lắng, thanh khoản nhỏ giọt, thị trường bất động sản đã bắt đầu có giao dịch trở lại, tập trung chủ yếu ở loại hình nhà ở thực. Mặc dù vậy, thị trường được đánh giá vẫn đang hồi phục rất chậm do tâm lý chờ đợi, thận trọng.
V.L