Sau khi tiêm chủng vắc xin trên diện rộng, thế giới và Việt Nam sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi. Các nhà đầu tư cũng nôn nóng tiếp cận các phương thức đầu tư mới lẫn truyền thống, kịp thời “bắt đáy” thị trường.
Nguồn cung giảm mạnh
Báo cáo quý 3/2021 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, tổng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường cả nước trong quý 3/2021 đạt 35.852 sản phẩm, giao dịch đạt 16.647 sản phẩm, tương đương tỷ lệ hấp thụ 40,9%. Trong đó, phân khúc nhà ở chung cư số lượng lớn nhất với 7.120 sản phẩm (chiếm 48,6%), tiếp theo là đất nền 5.349 sản phẩm (chiếm 36,5%) và nhà ở thấp tầng 2.178 sản phẩm (chiếm 14,9%). Trong kỳ, toàn bộ nguồn cung trên thị trường đa phần hàng tồn từ các quý trước. Lượng cung cũng như dự án mới rất hạn chế và không có dấu hiện cải thiện và gần như thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Đánh giá về tác động của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đối với thị trường bất động sản Việt Nam, Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, đợt dịch lần 4 khiến hầu hết các dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị.
Nhìn nhận về thị trường 3 tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VARS cho rằng, nguồn cung trên thị trường không có nhiều cải thiện, các dự án đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư (số lượng là rất lớn) chắc chắn vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn chưa thể tham gia thị trường ngay trong thời điểm cuối năm. Số lượng nguồn cung trên toàn thị trường đạt ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây và sẽ khó tăng mạnh trong 3 tháng tới. Sự khan hiếm nguồn cung cộng với thuế đất, giá nguyên vật liệu, thiết bị, chi phí nhân công gia tăng có thể khiến giá nhà đất tiếp tục đà tăng trong trong thời gian tới.
Cơ hội cho đà phục hồi và tăng trưởng quý IV/2021
Trong tiến trình mở cửa từng phần nền kinh tế với tiêu chí “an toàn đến đâu mở cửa đến đó”, Hà Nội cùng một số các tỉnh phía Bắc, TP.HCM và một số các tỉnh phía Nam, miền Trung đã dần dỡ bỏ giãn cách, song song với thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp. Đời sống và các hoạt động sản xuất, thương mại, du lịch bước vào giai đoạn “bình thường mới” sau khi chiến lược tiêm vắc xin trên diện rộng nhanh chóng được thực hiện.
Theo dữ liệu của Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đến trưa 14/9, Việt Nam đã thực hiện được trên 30,4 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19. Được biết, từ nay đến cuối năm 2021, 31 triệu liều Pfizer sẽ về đến Việt Nam, thúc đẩy việc tiêm chủng mũi 2 tới 70% dân số trên 18 tuổi. Đây được coi là “chìa khoá” cho phép các doanh nghiệp tự tin hơn khi quay trở lại với các hoạt động kinh doanh. Nhất là khi quý IV cuối năm luôn được coi là thời điểm “chạy nước rút” của các doanh nghiệp, phục vụ cho nhu cầu tăng cao về tiêu dùng, thương mại, du lịch trên cả nước.
Xu hướng dòng tiền sẽ đi về đâu?
Có thể nói, Covid-19 đã để lại hậu quả vô cùng lớn, gây sự đình trệ và đứt gãy cho toàn bộ nền kinh tế. Để điều tiết nền kinh tế vĩ mô, chính phủ đã liên tục thực hiện những chính sách tài khoá, bơm tiền và hạ lãi suất “hỗ trợ nền kinh tế”.
Trong bối cảnh mức lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn, giá vàng thế giới lên xuống thất thường, người dân có xu hướng rút tiền khỏi ngân hàng chuyển qua những kênh đầu tư có thanh khoản tốt hơn. Tình trạng này cũng dễ dẫn đến hệ quả “bong bóng” tài sản bởi những dòng đầu cơ nóng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tình trạng này chỉ diễn ra nhất thời bởi hệ quả của thời kỳ giãn cách kéo dài và sự nóng vội của những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Những nhà đầu tư kinh nghiệm sẽ có tầm nhìn dài hạn và bao quát hơn. Hầu hết trong số họ trung thành với bất động sản bởi đây vẫn luôn là kênh trú ẩn an toàn và sinh lời bền vững, bất chấp những biến động trong ngắn hạn của các chu kỳ kinh tế.
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao do ảnh hưởng dịch Covid-19, đặc biệt là giá thép. Khảo sát thị trường cho thấy mặt bằng chung các loại vật liệu xây dựng tăng khoảng 25% so với đầu năm; trong đó, tăng cao nhất là sắt, thép xây dựng. Các chuyên gia nhận định điều này có thể thiết lập một mặt bằng giá mới cho bất động sản trong quý IV/2021, khiến cho giá của các sản phẩm bất động sản đều tăng cao chóng mặt.
Hậu Covid, các chuyên gia dự đoán phân khúc bất động sản thương mại nghỉ dưỡng sẽ bật tăng mạnh mẽ nhất. Lý giải cho việc này, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm cho biết, thời gian giãn cách quá dài sẽ kích thích nhu cầu dịch chuyển, du lịch sau 2 năm bị kìm nén. Mặc dù thời điểm trước mắt, việc di chuyển giữa các tỉnh thành chưa thể thực hiện ngay, nhưng nhu cầu nghỉ dưỡng dần tăng cao và dự kiến sẽ trở nên đột biến vào đầu năm 2022 sau khi mũi 2 vắc xin được hoàn thành vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, những chính sách thúc đẩy nền kinh tế, du lịch, dịch vụ của chính phủ trong giai đoạn phục hồi chính là đòn bẩy “kéo” cầu nghỉ dưỡng tăng lên, làm tiền đề cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được “hâm nóng” trở lại. Du lịch nội địa được ưu tiên phục hồi, trong thời điểm du lịch nước ngoài vẫn bị e ngại và chưa hoàn toàn trở lại.
"Nơi trú ẩn an toàn của dòng tiền"
Dù kinh tế quý 3 tăng trưởng âm 6,17%, nhưng TS Trần Đình Thiên (nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chủ tịch hội đồng khoa học Viện Kinh tế Việt Nam), cho rằng có nhiều cơ sở để nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Đó là, dịch bệnh dần được khống chế, nền kinh tế thế giới đang trong tâm thế phục hồi mạnh.
Theo đó, giao dịch thực trên thị trường bất động sản đang tăng lên sau thời kỳ giãn cách xã hội, và khi nguồn cung thị trường sẵn sàng thì cầu bật lên rất nhanh. “Thị trường bất động sản là thị trường khởi phát, nguồn lực cho thị trường hiện khá tốt, vì vậy Chính phủ cần có cách tiếp cận bất động sản như thị trường khởi phát”, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia cao cấp tại Ngân hàng BIDV, cũng cho biết dòng tiền bất động sản từ đầu năm đến nay không hề giảm, tín dụng cho bất động sản tăng 5,1%, trong đó cho vay nhà ở khoảng 1,2 triệu tỉ đồng, cho vay đầu tư tăng gần 700.000 tỉ đồng, tương đương tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế trong 9 tháng qua.
Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản từ đầu năm tới nay cũng tăng mạnh, toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành khoảng 309.000 tỉ đồng, trong đó doanh nghiệp bất động sản phát hành 108.000 tỉ đồng, chiếm 35%. Theo TS Võ Trí Thành - viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trung bình hằng năm có khoảng 30% lượng kiều hối về nước được đầu tư vào bất động sản.
Cùng với đà phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới, TS Võ Trí Thành cho rằng nước nổi thì bèo nổi, kinh tế có nhiều triển vọng phục hồi, vì thế thị trường bất động sản trong quý 4 và năm 2022 có nhiều triển vọng tích cực.
THL