1. Mất quá nhiều thời gian để tìm ngôi nhà đạt đủ 10/10 tiêu chí
Trong vòng 3 năm tìm mua nhà, anh Thành chấp nhận tạm ở nhà thuê. Đã nhắm được một vài căn ưng ý nhưng vẫn chưa đáp ứng được đủ điều kiện như mong muốn, anh cố gắng bỏ thêm thời gian để tìm được một ngôi nhà giá tốt, hoàn hảo nhất theo ý. Tuy nhiên, khi chưa tìm được nhà để mua thì chủ nhà anh đang thuê ra "tối hậu thư" buộc anh phải tìm chỗ ở mới trong vòng 1 tháng để họ bán nhà. Vì gấp gáp như vậy, anh Thành buộc phải thuê tạm một phòng trọ khác đắt hơn với nhiều chi phí vận chuyển để đảm bảo cuộc sống gia đình. Trong hoàn cảnh này, anh mới chợt thấy tiếc những căn nhà đã xem qua thì cũng muộn vì giờ giá bán của chúng đã cao ngất ngưởng.
Việc cân nhắc kỹ càng đối với một tài sản lớn như bất động sản cũng là một điều nên làm nhưng với tình hình biến động không ngừng của giá bán cũng như thị trường BĐS, người mua đừng nên quá chần chừ. Nhất là khi có thể tìm được một ngôi nhà nằm trong khu vực thuận lợi, có mức giá hợp lý và không phải sửa chữa quá nhiều.
2. Xem ít hơn 10 căn nhà
Nhiều người mua nhà nghĩ rằng việc xem tới 10 căn nhà là khá mất thời gian và không cần thiết. Tuy nhiên, đây sẽ là một sai lầm khi một trong những quy tắc của việc nhà là sự kết nối. Để có thể đưa ra quyết định mà không hối hận, người mua nên đến xem ít nhất 10 căn nhà. Việc này sẽ giúp bạn có thêm dữ liệu, cơ sở để xem xét, so sánh giữa những ngôi nhà với nhau. Qua đó, có thể đánh giá được ngôi nhà nào là đáng để mua nhất.
Một lưu ý nữa, so với việc mua để đầu tư thì tần suất đi xem nhà của người mua để ở cũng nên cao hơn vì mục đích là để chọn được một nơi sinh sống lâu dài, ổn định.
3. Cẩn thận quá đà, mất nhà như chơi
|
Mất nhiều thời gian cho việc tìm hiểu pháp lý dẫn đến việc không ít người đã bỏ lỡ cơ hội mua được căn nhà ừng ý. Ảnh minh họa |
Khi mua nhà đất, việc kiểm tra tính pháp lý của căn nhà là vô cùng cần thiết, từ rà soát thông tin trên giấy chứng nhận, tìm hiểu thông tin thông qua cán bộ tại phòng quản lý đô thị quận/huyện, xin văn bản trả lời về chứng chỉ quy hoạch cho đến kiểm tra thông tin trực tuyến,… Tuy nhiên, nếu thực hiện đầy đủ những bước kiểm tra nói trên để yên tâm hoàn toàn về pháp lý căn nhà chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian.
Trong trường hợp này, giải pháp được đưa ra để vừa đảm bảo tính an toàn cho giao dịch, vừa không bị vuột mất cơ hội và gặp những vướng mắc về sau đó là tiến hành kiểm tra trực tuyến và kiểm tra nhanh trên giấy chứng nhận.
Đến khâu đặt cọc cho người bán, đừng quên đưa ra những điều khoản ràng buộc liên quan tới vấn đề kiểm tra thông tin quy hoạch, hoặc đề nghị hai bên cùng hợp tác để xin chứng chỉ quy hoạch. Trong trường kết quả không đúng như đã thỏa thuận, phía người bán phải hoàn lại tiền đặt cọc. Nếu mọi chuyện đều thuận lợi, không phát sinh vấn đề gì thì có thể tiến hành những giao tiếp theo.
4. Trông đợi có thể được giảm giá thêm vào phút chót
Sau khi đã có sự thống nhất về giá cả, an tâm về pháp lý ngôi nhà, hai bên sẽ đi tới khâu ký hợp đồng mua bán. Không ít trường hợp người mua kỳ vọng sẽ có thể thương lượng thêm để được người bán hạ giá vì suy nghĩ rằng chẳng ai muốn mất thêm thời gian, công sức để tìm người mua khác. Song, trên thực tế việc này hoàn toàn không khả thi vì đã có nhiều giao dịch bị hủy do những bất đồng, mâu thuẫn xuất hiện ở công đoạn này.
Lời khuyên đưa ra là bạn chỉ nên thương lượng về việc giảm giá bán ngay sau khi kiểm tra chất lượng công trình, phong thủy, tính pháp lý... và nhận thấy có nhiều điểm chưa thực sự hài lòng hoặc công việc sửa chữa sẽ khiến chi phí bị đội lên. Có như vậy thì giao dịch mới có thể diễn ra thuận lợi cho cả hai bên.
(Theo ThanhnienViet)