90% môi giới BĐS hoạt động mà không có chứng chỉ hành nghề

90% môi giới BĐS hoạt động mà không có chứng chỉ hành nghề

Sáng 27/6 tại Hà Nội đã điễn ra Hội thảo "Vai trò hoạt động môi giới trong quản lý và phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam" được tổ chức bởi Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam; Học viện Quản lý xây dựng

Sự kiện có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng TP. Hà Nội, các chuyên gia trong nước và quốc tế, cùng sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản, cộng đồng các nhà môi giới bất động sản trên cả nước.

Theo Ban tổ chức, Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ sự kiện chuyên biệt "Ngày hội Môi giới bất động sản Việt Nam 2020". Hội thảo "Vai trò hoạt động môi giới trong quản lý và phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam"  đề cập và bàn luận về nhiều nội dung: Tổng quan, thực trạng, bất cập và kiến nghị liên quan đến hoạt động môi giới bất động sản; các giải pháp thúc đẩy phát triển bất động sản hậu Covid-19; những thành tựu, khó khăn, vướng mắc trong hành nghề môi giới; nhìn nhận về bức tranh kinh tế, xu hướng bất động sản 2020 và tác động tới hoạt động môi giới bất động sản; giá trị cốt lõi trong phát triển thị trường bất động sản...

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển cả về quy mô và số lượng; trong đó có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội. Pháp lý bất động sản ngày càng chặt chẽ đảm bảo quản lý bất động sản hiệu quả. Hiện đang có khoảng 15.000 doanh nghiệp bất động sản, 1.200 sàn giao dịch bất động sản và hơn 400.000 nhân viên môi giới bất động sản, chiếm lĩnh phần lớn thị trường bất động sản.

"Tuy nhiên, cuối năm 2019, xu hướng thị trường bất động sản chững lại đặc biệt, dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản , ảnh hưởng tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nhiều sàn bất động sản đã phải dừng hoạt động. Song với sự nỗ lực đổi hướng hoạt động kinh doanh trong tình hình mới, thị trường bất động sản đã khởi động trở lại, nhiều dự án đã được nhà đầu tư và người dân quan tâm. Do đó, thời gian tới, nhân viên môi giới phải thay đổi phương thức tiếp thị và bán hàng sao cho hiệu quả và thích ứng với sự thay đổi của thị trường", ông Hà nhấn mạnh.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản khẳng định môi giới bất động sản là ngành nghề đóng vai trò quan trọng đối với thị trường bất động sản. Hoạt động ngành nghề bất động sản đã được quy định chặt chẽ trong Luật Kinh doanh bất động sản.

Thời gian qua, hoạt động môi giới bất động sản đã lớn mạnh về cả số lượng và đã đạt được kết quả tích cực. Về thể chế pháp luật, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản liên quan là cơ sở pháp luật quan trọng để hoạt động môi giới bất động sản ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng, phương thức hoạt động...

Hiện xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức môi giới bất động sản hoạt động chuyên nghiệp như công ty cổ phẩn, trung tâm, công ty môi giới ra đời hoạt động đúng pháp luật đã góp phần phát triển thị trường bất động sản Việt Nam công khai, minh bạch. Các quy định về kinh doanh bất động sản đối với thị trường bất động sản nói chung và hoạt động môi giới nói riêng đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân khi tham gia giao dịch bất động sản, ông Ninh phân tích.

Nhìn ở một góc độ khác, ông Nguyễn Đức Lập - Ủy viên thường vụ VARS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS cho biết, theo thống kê của VARS, tại Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS, làm việc trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động độc lập, nhưng chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ nghề, chiếm khoảng 10% - một tỷ lệ rất thấp.

Đội ngũ môi giới chủ yếu tập trung ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng đội ngũ môi giới ở Hà Nội chỉ có khoảng 50% là nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên tại các sàn giao dịch. Phần còn lại hầu hết là nghiệp dư, trong đó có những người "tay ngang" chuyển nghề, khi thị trường BĐS tăng nóng, không được đào tạo, không được kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên mua và bên bán.

Trong khi đó, Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã quy định cụ thể về điều kiện hành nghề môi giới BĐS kèm theo những chế tài. Cụ thể, Điều 58 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định. Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: kinh doanh môi giới BĐS mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định, không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng…

"Phần lớn lực lượng môi giới hiện nay thiếu kiến thức căn bản để hành nghề. Đặc biệt là kiến thức pháp luật có liên quan đến lĩnh vực BĐS. Môi giới phần lớn hoạt động không khác gì người "dẫn mối", không ít môi giới bắt tay với nhà đầu cơ tạo nên những cơn sốt đất ở khắp các địa phương, gây náo loạn thị trường, đồn thổi giá để trục lợi… Họ là tác nhân chính khiến giá nhà đất bị đẩy lên cao vượt quá khả năng chi trả của người dân. Không ít khách hàng là nạn nhân bị "cò đất" lừa đảo, mất trắng tài sản tích cóp cả một đời người. Hệ lụy để lại cho xã hội là vô cùng lớn…" – ông Lập chia sẻ.

Trước thực trạng trên, theo các chuyên gia, để hướng đến một thị trường dịch vụ môi giới BĐS chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thị trường bất động sản sẽ phát triển bền vững hơn nếu đội ngũ môi giới được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý chặt chẽ hơn. 

"Hiện nay, pháp luật quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản. Điều này đã tạo ra xu hướng các cá nhân không thực sự mong muốn học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về môi giới bất động sản mà có khi chỉ nhằm đối phó với kỳ thi sát hạch", các chuyên gia khẳng định.

Lan Nhi (Theo Nhịp sống kinh tế)

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN BẤT ĐỘNG SẢN
Đăng kí nhận tin bđs
Họ và tên *
Số điện thoại *
Email *

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Một số lưu ý người mới đầu tư đất nền nên quan tâm

Đất nền không phải một loại hình đầu tư bất động sản mới nhưng lại không bao giờ lỗi thời và ...

Làm sao để tránh rủi ro khi mua đất nền?

Để tránh tiền mất tật mang vì đầu tư đất nền, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư dự án, ...

Các "tay to" nhận định ra sao về thị trường bất động sản năm nay?

Tại cuộc họp thường niên với cổ đông, các lãnh đạo doanh nghiệp lớn đưa ra những dự báo, nhận ...

Bất động sản 4 tháng đầu năm: Nhiều tín hiệu tích cực

Thị trường bất động sản 4 tháng đầu năm ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan khi lượng căn hộ tung ...
Hotline