Mục tiêu này được UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh tại Kế hoạch số 785 (ban hành ngày 20/10) về triển khai Chương trình hành động số 56-CTr/TU ngày 3/7/2023 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với kế hoạch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách với quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030.
Vinh sẽ là đô thị trung tâm của Bắc Trung bộ
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch nêu rõ mục tiêu: Xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ...
Theo quy hoạch, TP. Vinh sẽ là đô thị lõi với vai trò hạt nhân, tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển của cả tỉnh, đô thị trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ. Nơi đây sẽ tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại: điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp số, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu mới; công nghiệp hỗ trợ, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, khoa học, công nghệ, đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu. TP. Vinh mở rộng cũng trở thành trung tâm du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ.
Khu vực thành phố Vinh và các huyện ven biển dọc Quốc lộ 1 gắn với khu kinh tế Đông Nam và vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh sẽ được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế và các khu công, nghiệp hiện có, bổ sung mới một số khu công nghiệp để tạo quỹ đất thu hút đầu tư phát triển các ngành sử dụng công nghệ cao như công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin, công nghiệp cơ khí chế tạo, sản xuất và lắp ráp ô tô, sản xuất vật liệu mới, công nghiệp hỗ trợ.
Quy hoạch cũng nêu rõ phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030. Theo đó, tại Vinh có các dự án: Đường tỉnh 535 Vinh - Cửa Lò; Kênh Nam Đàn – Vinh; Cảng khách Hưng Hòa; các bến thuỷ nội địa trên Sông Lam, kênh Nam Đàn, kênh Nhà Lê; các khu công nghiệp Bắc Vinh (53ha); VSIP (368ha) cùng hàng loạt cụm công nghiệp như Nghi Phú (10,5ha); Hưng Lộc (8,9ha); Hưng Đông (39,5ha)… Trong đó, đường tỉnh 535 Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2); cầu Bến Thủy 3 thuộc danh mục các dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 – 2030, từ ngân sách nhà nước.
Hệ thống hạ tầng tạo bệ phóng để Vinh phát triển
Tại một số sự kiện liên quan đến quy hoạch Nghệ An, nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư xây dựng cầu Bến Thủy 3 (tại xã Hưng Hòa, TP. Vinh) - cây cầu thứ thứ ba vượt sông Lam, nối trung tâm TP Vinh (Nghệ An) với huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) sẽ tạo thêm động lực liên kết phát triển cho toàn khu vực Bắc Trung Bộ. Đặc biệt là kinh tế xã hội vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh (được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch xây dựng từ năm 2011), bao gồm TP. Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương (Nghệ An) và thị xã Hồng Lĩnh, các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn (Nghệ Tĩnh) với tổng diện tích khoảng 3.648km2. Đây là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực Bắc Trung Bộ với các ngành kinh tế chủ đạo phát triển của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, là đầu mối giao thương hàng hóa và dịch vụ của vùng Bắc Trung Bộ, cửa ngõ kết nối với thị trường quốc tế trong khu vực...
Trong khi đó, dự án đường tỉnh 535 nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2) góp phần quan trọng tạo nên diện mạo hoàn thiện cho hệ thống giao thông của địa phương. Tuyến đường Vinh – Cửa Hội có chiều dài 11km đi qua địa bàn thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò. Điểm đầu tuyến giao với đường Nguyễn Sỹ Sách thuộc địa bàn xã Hưng Lộc, Tp. Vinh, điểm cuối giao với đường Bình Minh thuộc phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò. Trong giai đoạn 2, dự án tiếp tục nâng cấp đoạn đường 3,5 km từ nút giao đường Nguyễn Sỹ Sách đến hết địa giới TP Vinh, tạo điều kiện thuận lợi khi di chuyển giữa Vinh đến nhiều điểm du lịch trong tỉnh…
Ngoài ra, trong danh mục ưu tiên thực hiện giai đoạn 2021 – 2023 còn có các dự án: Nâng cấp cảng hàng không Vinh thành cảng hàng không quốc tế; Xây dựng đường cất hạ cánh số 2, cảng hàng không quốc tế Vinh (đầu tư theo hình thức PPP)… Đây được xem là những dự án lớn, giúp Nghệ An, đặc biệt là TP.Vinh “cất cánh” trong tương lai.
“Như vậy, với mạng lưới đường bộ, đường ven biển, đường sắt, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, cảng biển, cảng hàng không, sân bay… đồng bộ, TP.Vinh sẽ có những bước đột phá trong thu hút du khách cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó, kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu bất động sản thương mại, du lịch, nhà ở… Điều này hứa hẹn mang lại sự khởi sắc cho thị trường bất động sản nơi đây”, ông Nguyễn Văn Chiến, một nhà đầu tư bất động sản tại Vinh phân tích.
Phan Nam