Giải quyết tranh chấp hợp đồng cọc khi mua bán nhà, đất

Tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất là sự xung đột, mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên theo nội dung hợp đồng. Có 3 phương thức để giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất là: Thương lượng, hòa giải, khởi kiện tại tòa án

giai-quyet-tranh-chap

Những dạng tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua đất phổ biến

- Tranh chấp về mức “phạt cọc”

Căn cứ Khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì mức “phạt cọc” được thực hiện theo quy định sau:

+ Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc (thường là tiền đặt cọc) thuộc về bên nhận đặt cọc.

+ Nếu bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì nghĩa vụ trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc.

Khi các bên có thỏa thuận khác về mức "phạt cọc" như phạt gấp đôi, gấp ba lần tiền đặt cọc thì thực hiện theo thỏa thuận đó.

- Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của các bên: Là tranh chấp nội dung điều khoản quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng đặt cọc.

- Tranh chấp về cam kết của các bên: Khi đặt cọc thông thường người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở cam kết tính pháp lý của quyền sử dụng đất, nhà ở như đã được cấp giấy chứng nhận (sổ hồng, sổ đỏ), nhà đất không có tranh chấp, nhà đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, nhà đất không có thế chấp, đất còn thời hạn sử dụng. Nếu không đúng như những gì cam kết có thể xảy ra tranh chấp.

- Tranh chấp khác liên quan đến nhà đất như diện tích không đúng,…

Phương thức giải quyết tranh chấp

Có 3 cách để giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất. Trong đó, khởi kiện giải quyết tranh chấp tại tòa án thường là cách hiệu quả nhất.

Thương lượng

Đây là cách giải quyết đơn giản nhất nhưng hiệu quả thường không cao. Theo đó, hai bên cùng nhau bàn bạc, tìm ra hướng giải quyết để dung hòa quyền lợi của nhau. Mỗi bên có thể nêu quan điểm của mình, trình bày lý do không thể thực hiện được hợp đồng đặt cọc, đề xuất phương án giải quyết. Trên cơ sở đó, hai bên sẽ thống nhất một giải pháp cuối cùng.

Nếu hai bên chịu lắng nghe ý kiến đối phương, cân nhắc được mặt được mất thì có thể giải quyết tranh chấp một cách nhanh gọn. Song thực tế, rất khó để thống nhất được một phương án mà cả hai bên đều nhất trí. Chính vì vậy, việc thương lượng thường không đem lại kết quả khả quan.

Hòa giải

Nếu phương án thương lượng không thành, thì có thể nhờ đến sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải. Người hòa giải sẽ phân tích tình hình, tìm kiếm giải pháp đảm bảo được sự cân bằng về quyền và lợi ích của các bên.

Quy trình, thủ tục hòa giải tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán được thực hiện theo Luật hòa giải cơ sở 2013. Theo đó, các bên sẽ được lựa chọn hòa giải viên, nếu không lựa chọn được thì tổ trưởng tổ hòa giải sẽ phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải.

Hòa giải viên là người có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật và được Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên. Trong quá trình hòa giải, có thể mời thêm người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc, người có trình độ pháp lý... tham gia hòa giải.

Tuy nhiên, trên thực tế, phương thức hòa giải tranh chấp hợp đồng đặt cọc cũng thường không đạt hiệu quả cao.

Khởi kiện tại tòa án

Khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất tại tòa án được coi là phương án hiệu quả và triệt để nhất nhưng cũng tốn thời gian, tiền bạc và công sức nhất. Quá trình khởi kiện tại tòa án được thực hiện theo một trình tự thủ tục chặt chẽ. Kết quả giải quyết tranh chấp được bảo đảm thi hành bởi Nhà nước (cơ quan thi hành án dân sự).

Trình tự giải quyết tranh chấp tại tòa án gồm các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện

Người khởi kiện chuẩn bị 1 bộ hồ sơ khởi kiện, gồm:

- Đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất.

- Bản sao giấy tờ nhân thân của người khởi kiện: Căn cước công dân, hộ chiếu còn thời hạn sử dụng, sổ hộ khẩu.

- Tài liệu, chứng cứ trong quá trình giao kết hợp đồng đặt cọc mua bán đất như: Hợp đồng đặt cọc mua bán đất; giấy biên nhận thu/nộp tiền…  Những tài liệu này không bắt buộc phải nộp hết mà chỉ cần nộp tài liệu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện.

- Tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết tranh chấp: Biên bản làm việc, hòa giải giữa các bên...

Sau đó, người khởi kiện có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương - nơi bị đơn cư trú, làm việc; gửi hồ sơ đến tòa án qua đường bưu điện hoặc gửi hồ sơ trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của tòa án. 

Bước 2: Nộp tạm ứng án phí, nhận thông báo thụ lý vụ án

Với những hồ sơ hợp lệ, đúng thẩm quyền, tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 7 ngày, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí tại chi cục thi hành án dân sự, nộp lại biên lai thu tiền cho tòa án. Sau đó, thẩm phán sẽ tiến hành thụ lý vụ án. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự biết về việc giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất.

Bước 3: Giải quyết tranh chấp tại tòa án

Tòa án tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết để giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất như:

- Lấy lời khai, ý kiến của các bên tranh chấp và những người liên quan.

- Xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ trong quá trình giải quyết tranh chấp.

- Lập hồ sơ vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất.

- Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ thu thập được và quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, tòa án sẽ tiến hành hòa giải, phân tích để các bên trao đổi, thỏa thuận với nhau, đưa ra phương án giải quyết tranh chấp. Nhiều vụ án đã được giải quyết ở giai đoạn này mà không phải đưa ra xét xử.

Bước 4: Mở phiên tòa xét xử

Sau khi tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết, hòa giải không thành, tòa án sẽ đưa vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất ra xét xử. Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi có bản án sơ thẩm, các bên tranh chấp có quyền kháng cáo nếu có căn cứ theo quy định, nếu không bản án sẽ có hiệu lực.

Đăng Duy  (Tổng hợp)

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN BẤT ĐỘNG SẢN
Đăng kí nhận tin bđs
Họ và tên *
Số điện thoại *
Email *

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Một số lưu ý người mới đầu tư đất nền nên quan tâm

Đất nền không phải một loại hình đầu tư bất động sản mới nhưng lại không bao giờ lỗi thời và ...

Làm sao để tránh rủi ro khi mua đất nền?

Để tránh tiền mất tật mang vì đầu tư đất nền, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư dự án, ...

Các "tay to" nhận định ra sao về thị trường bất động sản năm nay?

Tại cuộc họp thường niên với cổ đông, các lãnh đạo doanh nghiệp lớn đưa ra những dự báo, nhận ...

Bất động sản 4 tháng đầu năm: Nhiều tín hiệu tích cực

Thị trường bất động sản 4 tháng đầu năm ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan khi lượng căn hộ tung ...
Hotline