Vào đầu tháng 9, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm 0,5% và dao động trong khoảng 6,0 - 7,0%/năm. Sự hạ nhiệt của lãi suất đầu vào đã ảnh hưởng đến lãi suất đầu ra, đặc biệt là lãi suất cho vay mua nhà có dấu hiệu giảm so với mức lãi suất cùng kỳ năm trước.
Trong nhóm 4 NHNN, ngân hàng BIDV đang cho vay với mức lãi suất 7,8%/năm; Vietinbank và Agribank có lãi suất cho vay mua nhà lần lượt là 8,2%/năm và 8%/năm.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân cũng áp dụng mức lãi suất dưới 10%/năm, chẳng hạn như TPBank (8%/năm), HDBank (8,2%/năm), VIB (8,5%/năm),…
Theo VnDirect nhận định, hiện nay tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp bất động sản đã tốt hơn giai đoạn 2011 – 2013 với tỷ lệ đòn bẩy hơn, hệ số thanh toán nhanh lành mạnh hơn cùng khả năng thanh toán lãi vay tốt hơn so với giai đoạn khó khăn của thị trường trước đó.
Tuy nhiên, hệ số thanh toán hiện hành đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong giai đoạn 2011 – 2013, dẫn đến nguy cơ xảy ra rủi ro mất khả năng thanh toán vẫn cao như thời điểm năm 2011. Đáng chú ý, các hệ số về khả năng thanh khoản đang dần được cải thiện trong Q2 vừa qua.
Trong nửa đầu năm 2023, rủi ro mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp bất động sản đã giảm bớt một phần bởi các doanh nghiệp đã thực hiện gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu và kéo giãn nợ ngân hàng theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 33/2023/NQ-CP.
Tuy nhiên, vấn đề thanh khoản vẫn là một mối lo ngại lớn, vì nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó trong việc trả lãi và gốc trái phiếu. Điều này xuất phát từ các khó khăn trong việc tái cấp vốn, cùng với sự giảm sút trong doanh số ký bán trong tình hình thị trường ảm đạm.
Theo ông Trần Trung Kiên – Chuyên gia phân tích của Khối Phân tích, Chứng khoán VnDirect, thời điểm khó khăn nhất của thị trường dường như đã qua nhưng những thách thức vẫn còn đó và thị trường bất động sản có thể phục hồi dần từ giữa năm 2024.
Cùng với đó, Chính phủ đang nỗ lực đưa ra nhiều chính sách để tác động đến kênh dẫn vốn, cải thiện pháp lý và cân đối cung cầu nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để thị trường phục hồi và thúc đẩy phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu thực của người mua nhà thì những chính sách cần đồng bộ hơn nữa.
Theo dự đoán của đơn vị này, lãi suất cho vay trung bình thực tế đối với lĩnh vực bất động sản vẫn ở mức cao 13-14%. Thị trường bất động sản sẽ dần ấm trở lại khi lãi suất vay mua nhà giảm về mức 10-11%. Ngoài ra, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng trong một năm tới và sự phục hồi sẽ dần rõ nét từ nửa cuối năm 2024, khi các rào cản được tháo gỡ.
Cũng theo bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, thanh khoản thị trường bất động sản trong Q2 vẫn trầm lắng, cần tiếp tục quan sát diễn biến mới trong nửa cuối năm nam. Đặc biệt, Chính phủ đã nỗ lực ban hành nhiều chính sách tích cực để giải quyết vướng mắc và thúc đẩy thị trường địa ốc.
Đồng thời, việc đầu tư hạ tầng cũng đang được thực hiện mạnh, điều này có thể làm tăng sự hứng thú của các tổ chức đầu tư toàn cầu tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2026. Bà Trang Bùi cho rằng đây là thời điểm “sáng” cho thị trường và bước vào một chu kỳ tăng giá mới.
Vi Anh