Việc giao dịch tài sản chung của vợ chồng được quy định tại Điều 26 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
"Điều 26. Đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật này. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi".
Cùng với đó, khi vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự, việc đại diện vợ chồng được quy định tại Khoản 3 Điều 24 như sau:
"Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan".
Căn cứ theo những quy định trên, người muốn đại diện để bán bất động sản phải gửi đơn lên tòa án đề nghị tòa tuyên bố bạn đời của mình có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 22, 23 Bộ luật Dân sự. Cùng với đó, tòa án sẽ chỉ định người có năng lực hành vi dân sự trong quan hệ vợ chồng là người giám hộ cho người còn lại. Sau khi có chỉ định của tòa án, thì người đại diện giám hộ có quyền đại diện cho người còn lại để tiến hành chuyển nhượng phần tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung.