Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất (về tài chính, giao dịch bất động sản, tháo gỡ các vướng mắc chính đối với dự án bất động sản…). Thị trường đang dần phục hồi từ tháng 5/2023 đến nay và nếu cần lượng hóa, có thể hình dung đâu đó khoảng 30-50% khó khăn, vướng mắc chính, số dự án bất động sản vướng về pháp lý, thủ tục được tháo gỡ, tùy vào mỗi địa phương.
Sở dĩ đạt được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực, liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; nhờ những động thái quyết liệt của Chính phủ cùng các cơ quan, bộ ngành để giúp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Bởi thực tế, khoảng 20 động thái, văn bản dưới luật liên quan liên tục phát đi một cách dồn dập từ phía Chính phủ với nội dung ngày càng sát hơn với nhu cầu của thị trường lẫn doanh nghiệp. Đặc biệt, trên tinh thần tiếp thu ý kiến đóng góp, sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với chiến lược nhà ở của quốc gia đã phần tạo thêm niềm tin, sức mạnh cho thị trường cũng như các chủ thể tham gia. Tuy nhiên, sự phục hồi còn chậm, nhiều khó khăn chưa tháo gỡ kịp thời. Bên cạnh đó, rà soát các chính sách ban hành, khắc phục những nút thắt, chồng chéo, mâu thuẫn. Đây cũng là lực cản lớn đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, của doanh nghiệp, làm cho chính sách chậm đi vào thực tiễn, giảm niềm tin của người dân vào chính sách của Nhà nước.
Về vốn nói chung và vốn tín dụng ngân hàng nói riêng, cần phát triển thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp để các doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn trên thị trường này. Thực tế cho thấy doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực đều có nhu cầu vốn, nhưng lại không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn tín dụng ngân hàng, bao gồm cả một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, trong khi các ngân hàng có vốn. Vì vậy, cần sự phối hợp đồng bộ của bộ ngành cùng giải bài toán vốn cho sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Chính phủ cần tiếp tục có chính sách và biện pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng; chính sách tài khóa... cải thiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Mặt khác, hệ thống ngân hàng tiếp tục rà soát cắt giảm chi phí, để có điều kiện hạ lãi suất cho vay, rà soát điều kiện vay vốn, xem xét phối hợp các hoạt động bảo lãnh để giúp doanh nghiệp có vốn phát triển kinh doanh.
Các bộ ban ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện thật nghiêm túc, tốt các cơ chế, chính sách đã ban hành, nhất là những chính sách tài khóa; chính sách tiền tệ về giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ…; cùng nghị định, thông tư liên quan đến thị trường bất động sản, lĩnh vực xây dựng và đất đai. Dù thị trường bất động sản hiện nay chưa thể hồi phục như thời điểm cuối năm 2021 hay đầu năm 2022, nhưng đã đỡ hơn nhiều so cuối năm 2022. Và thời gian tới sẽ là lúc bất động sản tiếp tục phục hồi, nhất là khi những rào cản pháp lý dần được gỡ bỏ, một số quy định thắt chặt trước kia nay tạm thời chưa áp dụng, trong khi nguồn vốn giá rẻ ngày càng nhiều và kết cấu hạ tầng tiếp tục cải thiện với tâm lý đầu tư đỡ bị “ức chế” so với những tháng đầu năm 2023 và quý cuối 2022.