Những lưu ý nằm lòng khi đặt cọc mua bán bất động sản

Thỏa thuận đặt cọc đồng nghĩa với việc người mua phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để “giữ chỗ” cho mình. Tuy nhiên, việc đặt cọc tiền khi mua bán nhà đất luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Vẫn có trường hợp bên bán “lật kèo” ngay khi tìm được khách hàng trả giá cao hơn dù phải bồi thường. Do đó, hợp đồng cọc tiền rất quan trọng vì nó là cơ sở giải quyết mọi vấn đề sau này. Trước khi ký hợp đồng, người mua cần nhớ các nguyên tắc dưới đây để đặt cọc an toàn và đảm bảo quyền lợi.

hop-dong-dat-coc-mua-ban-nha-dat-2

Xác định tình trạng pháp lý của nhà đất

Việc đầu tiên là xác định tính chính chủ của bất động sản. Bạn nên xem xét kỹ các giấy tờ nhà đất, đối chiếu thông tin chủ nhà: tên, ảnh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân trên sổ đỏ có trùng khớp với thông tin trên sổ đỏ không.

Cần tìm hiểu rõ đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng hay không; đất đã chuyển mục đích sử dụng chưa; đất thổ cư hay đất nông nghiệp, có thuộc diện quy hoạch giải tỏa hay nợ thuế gì không. Nếu người mua không tìm hiểu kỹ trước khi mua đất, sau khi đặt cọc mới biết được mảnh đất có vấn đề về pháp lý thì việc mua đất không được pháp luật công nhận. Bạn có thể kiểm tra thông tin này tại Phòng Quản lý đô thị hoặc bộ phận kiểm tra quy hoạch tại các Uỷ ban nhân dân Quận/Huyện nơi bất động sản toạ lạc.

Tìm hiểu những vấn đề như nhà có nằm trong khu quy hoạch, mốc lộ giới, tường nhà là chung hay riêng, điện nước chung hay riêng, nhà có nằm trong khu xây dựng giới hạn chiều cao,…Nếu vướng các vụ kiện tụng về tranh chấp tài sản, kê biên thi hành án,.. sẽ bị ngăn chặn không công chứng được, lúc đó sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc để giải quyết thậm chí có nguy cơ mất luôn tiền đặt cọc.

Để tránh rủi ro này, bạn nên yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ bản sao có công chứng mới nhất của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của ngôi nhà nêu trên cùng hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người bán (của cả vợ chồng nếu người bán đã có vợ, chồng), đồng thời, đến UBND cấp xã nơi có đất yêu cầu cung cấp các thông tin về nhà ở như nêu trên để kiểm tra điều kiện nhà ở bán trước khi đặt cọc

Kiểm tra kỹ hợp đồng đặt cọc

Luôn phải đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng trước khi đặt bút ký, vì có những trường hợp người mua sau khi ký thỏa thuận đặt cọc, giao tiền cho người bán nhưng người bán cố ý gây khó dễ cho người mua, đưa ra nhiều lý do vô lý để người mua không thể thực hiện tiếp hợp đồng dẫn đến mất tiền đặt cọc.

Bên nào soạn thảo hợp đồng thì bên đó có lợi thế. Trong hợp đồng đặt cọc, bạn cần phải có quy định về việc người bán nếu vi phạm hợp đồng thì người bán phải trả lại tiền đặt cọc hoặc một số tiền lớn hơn trong trường hợp bên bán không thực hiện đúng cam kết.

Trong nội dung hợp đồng phải thể hiện rõ số tiền đặt cọc là bao nhiêu, sẽ giao số tiền còn lại sau khi hợp đồng được công chứng, đồng thời nêu thời gian cụ thể hai bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng.

Nên tham khảo ý kiến chuyên gia có kinh nghiệm hoặc một luật sư chuyên về nhà đất giúp khi soạn thảo hợp đồng.

Lưu ý khi tiến hành thanh toán

Khi đặt cọc phải có hợp đồng đặt cọc và người làm chứng. Người làm chứng tốt nhất không có quan hệ họ hàng đối với cả hai bên mua và bán.

Để an toàn việc thanh toán nên thực hiện tại ngân hàng, tránh giao dịch ở bên ngoài vì số tiền có giá trị cao, không mất thời gian kiểm đếm, không sợ tiền giả và không gặp nguy hiểm khi mang số tiền lớn đi đường. Cách tốt nhất là người mua để tiền trong tài khoản, khi mua bán hai bên ra ngân hàng và bên mua chuyển khoản cho bên bán ngay tại ngân hàng, có hóa đơn chứng từ rõ ràng.

Phân biệt rõ tiền đặt cọc và tiền trả trước

Về hình thức, tiền đặt cọc và tiền trả trước đều là khoản tiền (hoặc tài sản giá trị khác) mà bên mua giao trước cho bên bán, nhằm đảm bảo hợp đồng sẽ được giao kết. Tuy nhiên, về bản chất, 2 khái niệm này lại hoàn toàn khác biệt và không thể đánh đồng với nhau.

Cụ thể, đặt cọc là việc bên mua giao cho bên bán một khoản tiền (hoặc tài sản giá trị khác) trong thời hạn nhất định để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Trong khi đó, tiền trả trước là việc bên mua tiến hành trả trước một khoản tiền cho bên bán, nói cách khác là thực hiện trước một phần nghĩa vụ. Chính vì bản chất đã có sự khác biệt nên khi có vi phạm xảy ra, hậu quả pháp lý sẽ khác nhau tùy theo hình thức là tiền đặt cọc hay tiền trả trước.

Đối với đặt cọc:

- Nếu hợp đồng được thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền

- Nếu bên đặt cọc từ chối việc thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc

- Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Đối với trả tiền trước: Khi có bên vi phạm nghĩa vụ hoặc không tiến hành thực hiện hợp đồng thì khoản tiền trả trước về nguyên tắc sẽ được hoàn lại cho bên đã trả mà không kèm theo bất cứ khoản phạt nào.

Lưu ý, Điều 29 Nghị định 163/2006/NĐ–CP quy định: Trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước thì số tiền này được coi là tiền trả trước. Vì vậy khi lập hợp đồng đặt cọc cũng như biên bản giao nhận tiền, người mua cần lưu ý ghi rõ khoản tiền mình giao trước cho bên bán là tiền cọc hay tiền trả trước, tránh phát sinh tranh chấp về sau.

Minh bạch khoản bồi thường/ phạt cọc

Theo quy định tại Điều 418 Bộ luật dân sự 2015: “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại”.

Trong giao dịch mua bán nhà, đất, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại tiền đặt cọc là quyền lợi chính đáng của người mua. Bởi số tiền đặt cọc khi giao dịch bất động sản thường rất lớn, giá trị chuyển nhượng cao, nếu bên bán bất ngờ “hủy kèo” mà không bồi thường thì bên mua sẽ là người chịu thiệt. Theo đó, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng đặt cọc, bên bán ngoài việc hoàn lại số tiền đặt cọc còn phải trả cho người mua khoản bồi thường hoặc khoản phạt vi phạm theo thỏa thuận trước đó trong hợp đồng. Người mua lưu ý phải xem xét kỹ điều khoản về tiền phạt/ bồi thường này để bảo đảm quyền lợi cho mình.

Hợp đồng đặt cọc không bắt buộc nhưng nên công chứng     

Luật không quy định bắt buộc phải thực hiện công chứng hợp đồng đặt cọc. Tuy nhiên, để bảo đảm tính pháp lý cũng như tránh trường hợp tranh chấp xảy ra, người mua nên thực hiện việc công chứng. Để thực hiện thủ tục công chứng, hai bên cần chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ gồm các giấy tờ như: Phiếu yêu cầu công chứng; dự thảo hợp đồng; bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng; bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có…

Sau khi nộp tại tổ chức hành nghề công chứng, hồ sơ sẽ được công chứng viên tiếp nhận và kiểm tra. Nếu hồ sơ đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật sẽ được thụ lý và tiến hành công chứng theo quy định. Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

Sử dụng vi bằng hoặc nhờ người làm chứng để củng cố pháp lý giao dịch

Khi hợp đồng đặt cọc không công chứng, tự soạn thảo sơ sài, giao dịch sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì vậy, các bên nên đến văn phòng Thừa phát lại để được tư vấn, lập vi bằng về việc đặt cọc. Văn phòng thừa phát lại sẽ xem xét các giấy tờ liên quan, tư vấn cho các bên về điều khoản trong hợp đồng và trực tiếp soạn thảo hợp đồng đặt cọc. Sau đó, Thừa phát lại sẽ lập vi bằng về việc đặt cọc (chứng kiến các bên ký tên vào hợp đồng đặt cọc, giao tài sản đặt cọc). Vi bằng này sẽ đảm bảo cho người mua sự an toàn pháp lý, không chỉ giúp giao dịch thuận lợi mà còn là vũ khí sắc bén để người mua thương lượng, giải quyết nếu tranh chấp xảy ra.

Người làm chứng là yếu tố không bắt buộc nhưng nên có để củng cố tính pháp lý cho hợp đồng đặt cọc. Đối tượng làm chứng nên là người không có bất cứ mối quan hệ họ hàng, thân quen gì với một trong hai bên giao dịch. Trong hợp đồng, họ cần ghi rõ những thông tin cá nhân cơ bản (họ tên, ngày sinh, chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú…), kèm theo đó là việc ký/ điểm chỉ, lời xác nhận rõ ràng về việc làm chứng.

T.H

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN BẤT ĐỘNG SẢN
Đăng kí nhận tin bđs
Họ và tên *
Số điện thoại *
Email *

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Các kênh đầu tư bất động sản

Đầu tư vào bất động sản là một cách đầu tư phổ biến và sinh lời gần như nhiều nhất. Dựa trên ...

Lãi suất cố định giúp tăng giao dịch bất động sản

Các chuyên gia đánh giá, gói vay mua nhà với lãi suất cố định là giải pháp mới cho thị trường ...

Bất động sản vẫn là kênh trú ẩn, làm tăng lợi nhuận nhiều

Khép lại năm 2023, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng bước vào ...

Đầu tư bất động sản làm sao để sinh lời?

Chỉ trong năm 2023, hàng loạt nhà đầu tư bất động sản không thể ra được hàng dù "cắt lỗ". Và ...
Hotline