Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành 44 Nghị định, 106 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 18 Quyết định quy phạm pháp luật, 844 Quyết định cá biệt, 22 Chỉ thị, 43 Công điện và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành; tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị, làm việc, chuyến công tác.
Các thành viên Chính phủ đã trực tiếp làm việc với từng địa phương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, việc tập trung thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; từng bước xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng kéo dài nhiều năm” (theo Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 08/07/2023) và đến nay thì chắc chắn số lượng các văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành là nhiều hơn.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, đặc biệt là với vai trò Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và trực tiếp làm việc với nhiều doanh nghiệp đã tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn của một số dự án bất động sản.
Các biện pháp quyết liệt trên đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bước đầu đã thúc đẩy, tạo được sự chuyển biến rất tích cực có tính lan tỏa từ các Bộ, ngành đến các địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư để vượt qua khó khăn, nâng đỡ niềm tin thị trường. Vì thế, thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Về tổng thể thì thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn rất khó khăn, nhưng mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian.
S.T